Mùa xuân năm 1972, cách đây vừa đúng 50 năm. Tôi tốt nghiệp ngành Kỹ sư Tên lửa phòng không ĐHKTQS, ra trường thì nhận lệnh tham gia đoàn cán bộ bổ sung cho mặt trân Quảng Trị. Trong đoàn, ngoài những anh em lớp trên, còn có anh Lê Anh Dũng là bạn cùng khóa, sau này là TGĐ công ty AIC QĐ.
Ngày ấy tôi mới 22 tuổi…
Ra đi trong những ngày giá rét, mưa phùn lất phất, không khí tết vẫn còn rơi rợt đâu đó trên đường hành quân.
Vào đến Quảng Bình, tháng 2 năm 1972 đoàn chúng tôi chia nhỏ về bổ sung cho các đơn vị chiến đấu. Tôi được điều về tiểu đoàn 90 trung đoàn 274. Khi ấy cả tiểu đoàn đang làm công tác chuẩn bị chiến dịch. Lần đầu tiên sống trong rừng đại ngàn Trường Sơn vào dịp cuối đông đầu xuân. Mưa rả rích suốt ngày đêm, lắng nghe tiếng mưa, nằm ngủ nhớ nhà, nhớ bạn bè không thể chợp mắt. Những khi rảnh rỗi tôi cùng mấy anh em đi vào rừng hái rau củ rừng về nấu canh. Có bữa quân ta gặp tổ ong mật ăn no say, mới biết say mật ong khó chịu hơn say rượu rất nhiều, đã say thì mấy ngày sau mới hoàn hồn.
Tháng 3 năm 1972 chúng tôi được điều vào tăng cường cho trung đoàn tên lửa 236 khi đó đang bố trí sát bờ bắc sông Bến Hải. Ngày 30 tháng 3 năm 1972, chiến dịch Trị – Thiên mở màn thì trong 1 khu vực hẹp tại Vĩnh Linh và nam Quảng Bình đã có 6 tiểu đoàn tên lửa thuộc 2 trung đoàn 236 và 274 sư đoàn 365 triển khai sẵn sàng đánh B52.
Đến nay, dù nửa thế kỷ đã trôi qua. Kỷ niệm của những ngày nắng lửa ở mảnh đất miền trung vẫn còn in hằn mãi trong ký ức của tôi. Từ sáng sớm đến đêm khua, các máy bay cường kích từ các căn cứ Cò-rạt, Tac-li, U-ta-pao Thái Lan và các tàu sân bay của hạm đội 7 thay nhau quần đảo trên bầu trời, bổ nhào dội bom và phóng tên lửa vào các vị trí đóng quân của ta và các trọng điểm giao thông như ngã ba cổ kiềng, bến phà Long Đại, ngầm Tà Lê…, trong đó có các đơn vị tên lửa chúng tôi. Chưa hết, cứ khoảng tầm chiều các tầu chiến Hạm đội 7 Mỹ lại từ biển nã pháo vào đất liền, tiếng rít gầm rú của đạn pháo tăng tầm nghe rất rùng rợn. Đáng ngại nhất lại là thứ này, chẳng nhìn thấy nó từ đâu, nó nhằm vào đâu để còn biết đường mà tránh.
Đầu tháng tư, B-52 bắt đầu đánh vào các vùng Tân Lâm, Đầu Mầu, Cồn Tiên, Bái Sơn, Đông Hà, Cửa Việt, Hiền Lương… hòng chặn thế tiến công của bộ binh ta. Lập tức, các đơn vị tên lửa phòng không của ta lên tiếng.
Chỉ riêng ngày 2 tháng 4, các tiểu đoàn 62, 64, 86 đánh liền năm trận. Bắn rơi 1 B-52. Tiếp đó, từ ngày 3 và 9 tháng 4 đã bắn rơi thêm 2 B-52. Một chiếc rơi ở đông Cửa Việt, một chiếc buộc phải hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng.
Các CCB lớp tên lửa khóa 1, năm 1972 gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ trên không
Sau 3 đợt của chiến dịch Quảng Trị kết thúc, tháng 10 năm 1972, chúng tôi được lệnh điều động về đơn vị cũ. Hành quân ròng rã ra bắc, cũng có lúc đi xe nhưng chủ yếu là đi bộ. Qua những thành phố Đồng Hới, Vinh chỉ thấy tất cả là bình địa, không còn một ngôi nhà nguyên vẹn. Cuối cùng chúng tôi cũng về đến Hà Nội trong một ngày đầu thu. Sau chuỗi ngày lăn lộn ở đất lửa Bình Trị Thiên, sao giờ đây thấy thành phố bình yên quá. Máy bay mỹ lúc này chỉ đánh phá từ nam Sông Gianh Quảng Bình trở vào.
Vậy mà, chỉ 2 tháng sau, cuối tháng 12 năm 1972. Không quân Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II. Hà Nội đã trở thành mục tiêu tập trung tấn công 663 lần chiếc B-52 và gần 4000 lần chiếc máy bay chiến thuật các loại… Các tiểu đoàn phòng không quanh Hà Nội đã phóng ngót 600 quả đạn tên lửa SAM 2. Tiêu diệt 34 máy bay B52 và 80 máy bay chiến thuật. Bắt sống 34 phi công mỹ. Lập nên kỳ tích “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” chói lọi. Đến 07 giờ 00 sáng 30/12/1972, Tổng thống Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Ngày 27.01.1973, Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết.
CCB