24 Th6 2024

Món quà đặc biệt từ các bạn xứ sở hoa Anh đào nhân kỷ niệm 30 năm Thành lập tập đoàn AIC

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 thành lập AIC, có 1 sự kiện rất đặc biệt không thể không thông báo ở đây. Đoàn khách quý từ Nagasaki Nhật Bản đã đến dự lễ với những món quà vô cùng độc đáo và quý giá. Đó là 5 chai Daigin jo Sake cỡ to nhất (1,8 lit), tổng cộng là 9 lit. Chu đáo hơn nữa, các bạn Nhật lại còn cất công mang theo 100 chiếc cốc gỗ vuông Masu làm bằng gỗ tuyết tùng vùng Nagasaki làm quà tặng và để chúng ta có cơ hội thưởng thức rượu Daigin jo theo đúng văn hóa Nhật Bản nhất. Trước tấm lòng nhiệt tình khó tả của các bạn Nhật, ban tổ chức buổi lễ đã phải điều chỉnh một số chi tiết của chương trình đã được dầy công chuẩn bị, để có thể tích hợp màn “nâng cốc chúc mừng bằng Daigin jo Sake  dùng cốc gỗ vuông Masu” vào trong chương trình tối ngày 25 tháng 6. Hy vọng anh chị em chúng ta sẽ có buổi lễ hội vui tươi hơn nữa trước thịnh tình của các bạn bè xứ Phù Tang.

Xin nói thêm Daigin jo Sake  là loại rượu sake hàng đầu của Nhật Bản. Nó lại càng đặc sắc hơn khi để lạnh thật sâu. Loại rượu này cũng nhẹ, các bạn nữ cũng có thể thưởng thức được, nhưng nếu jo jo liên tục thì cũng có thể sẵn sàng lái máy bay khu trục Zero lao vào tầu chiến Mỹ. Còn về cốc gỗ vuông Masu, tôi xin trích đăng dưới đây bài viết để bạn đọc tham khảo.

Tại sao cốc uống rượu của người Nhật lại có hình vuông?

Bạn đã từng thưởng thức rượu Sake của Nhật Bản chưa? Khi uống rượu Sake bạn sẽ dùng gì để uống? Nếu bạn để ý sẽ thấy rằng một số người sẽ dùng một hộp gỗ vuông, được gọi là Masu hay Masusake, để uống rượu hoặc đặt một ly rượu vào đó để uống. Tại sao lại như vậy? Hộp gỗ vuông Masu có ý nghĩa như thế nào?

Hộp gỗ vuông Masu có công dụng thế nào?

Người ta chế tạo ra Masu (枡 hoặc 升) với công dụng là một dụng cụ dùng để đo lường, thường sử dụng các đơn vị đo là “gou” (合), “jou” (升) hoặc “to” (斗). Vì có công dụng như vậy nên Masu được người ta sử dụng trong rất nhiều trường hợp. Không chỉ dùng để cân các loại thực phẩm như gạo, đậu, dầu, rau củ, trái cây. hay đo lường thể tích chất lỏng, Masu còn được dùng để tính toán sản lượng, phân phát lương thực hay được các lãnh chúa dùng để tính toán và lưu trữ cống phẩm hằng năm.

Ngày nay, người ta không còn dùng Masu với mục đích cân đo nữa mà dùng để đựng đồ ăn, cốc để uống rượu (Masusake) hay chỉ đơn giản là để trang trí như trồng cây, đựng đồ linh tinh,.

Các loại Masu và chất liệu làm ra Masu

Masu thường có hai loại, hộp gỗ và hộp sơn mài. Gỗ để chế tác Masu thường là gỗ tuyết tùng, Hinoki hay Linh Sam, đây là những loại gỗ mà người ta thường dùng để xây dựng chùa chiền, đền thờ vì chất gỗ tốt và có thể mang lại may mắn. Trong 3 loại gỗ kể trên thì Hinoki được dùng nhiều nhất, vì màu gỗ khá sáng mang lại cảm giác sạch sẽ, mùi hương gỗ có tác dụng thư giãn và chữa bệnh, nhanh khô và có tính kháng khuẩn.

Những chiếc hộp Masu bằng gỗ được trang trí bằng hình ảnh đẹp mắt. (Ảnh: twitter.com/hakata_hands)

Tại sao người Nhật lại có ý tưởng uống rượu bằng Masu?

Như đã nói ở trên, Masu ban đầu là dùng để đo lường, tuy nhiên, do gỗ của những chiếc hộp này có mùi thơm và đường vân đẹp nên dần dần người ta dùng nó để đựng rượu. Dù có nhiều loại bình đựng rượu khác nhau như thủy tinh, gốm, sứ,. nhưng người ta nhận thấy rằng uống rượu trong hộp gỗ Masu là tốt nhất vì rượu sẽ có mùi hương rất đặc trưng của gỗ. Hơn nữa, uống rượu bằng Masu mang lại một cảm giác rất tao nhã, giống như những nhà quý tộc thời xưa.

Rượu đựng trong Masu sẽ có mùi thơm đặc trưng của gỗ. (Ảnh: sake.com)

Bạn sẽ thấy rất ít quán nào phục vụ hình thức uống rượu Sake như thế này, nếu có thì thường sẽ là những quán nhậu Izakaya. Ngoài ra, người ta còn thường dùng nó để đựng rượu trong những lễ hội hay đám cưới mang tính truyền thống, hoặc làm quà lưu niệm.

Uống rượu bằng Masu như thế nào là đúng?

Nếu không biết đến văn hóa sử dụng Masu để uống rượu thì bạn có thể cảm thấy bối rối khi lần đầu nhìn thấy cái “cốc” vuông mới lạ này và cảm thấy nó hơi khó uống. Đối với những dụng cụ mang tính đặc trưng văn hóa như thế này thì người Nhật luôn có cách sử dụng sao cho đúng. Nhưng đối với việc uống rượu bằng Masu thì dường như không có cách uống “đúng nhất”. Điều bạn cần phải lưu ý là không được làm đổ rượu ra ngoài khi uống. 

Khi cầm Masu, để chắc chắn thì bạn nên cầm bằng hai tay thay vì một tay, bốn ngón tay đặt ở dưới đáy Masu, ngón cái đặt ở cạnh trên. Khi uống, có một số người sẽ uống từ phần góc vì cảm thấy nó dễ uống hơn, nhưng một số ý kiến cho rằng uống từ cạnh mới là đúng.

Bên cạnh cách rót rượu trực tiếp vào Masu, người Nhật còn có một cách phục vụ khác là đặt một cái ly bên trong hộp và rót rượu vào ly. Họ có thể rót rượu tràn ra khỏi ly để rượu chảy vào bên trong hộp Masu. Cách phục vụ này được gọi là “Mokkiri”

Cách phục vụ

Đối với Mokkiri, bạn nên uống rượu trong ly trước, một số người sẽ uống trực tiếp khi ly còn trong Masu, có người thì cầm ly ra khỏi Masu để uống. Sau khi rượu trong ly vơi đi một ít thì bạn sẽ thưởng thức rượu trong Masu. Lúc này, có lẽ bạn sẽ cảm nhận được sự khác nhau giữa việc uống rượu bằng ly và uống bằng Masu. Tiếp đó, bạn sẽ đổ phần rượu còn lại trong Masu vào ly và từ từ thưởng thức rượu.

Cách uống rượu bằng Masu.

Ngoài ra, đối với những người sành rượu, họ sẽ cho một ít muối lên một góc hộp Masu, trước khi uống rượu, họ sẽ nếm một ít muối. Người ta nói rằng, sự kết hợp này sẽ giúp rượu ngon hơn, giống như ăn đồ nhắm khi uống rượu.

Goto Top